Tại sao Công ty CP. AVAC Việt Nam phát triển thành công vắc xin Dịch tả heo châu Phi?

Ngày 17-18/11/2023, Công ty CP AVAC Việt Nam đã tổ chức buổi Toạ đàm thực trạng ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam và Trung Quốc - các kinh nghiệm ứng phó bệnh dịch tả heo châu Phi kết hợp hội thảo khoa học chuyên đề VACCINE AVAC ASF LIVE Giải pháp hiệu quả phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

   Buổi tọa đàm kết hợp hội thảo khoa học chuyên đề “VACCINE AVAC ASF LIVE - Giải pháp hiệu quả phòng bệnh Dịch tả heo châu Phi”. Tham dự sự kiện có sự hiện diện của Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Cục trưởng Cục Thú Y, Chi cục Thú y của 36 tỉnh miền Trung và miền Nam, các trung tâm và trường đại học cùng các công ty chăn nuôi lớn tại Việt Nam và 12 công ty chăn nuôi heo hàng đầu Trung Quốc.

   Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về thực trạng dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam và Trung Quốc, và hội thảo khoa học về sản phẩm vắc xin AVAC ASF LIVE như một giải pháp hiệu quả trong kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi rất được quan tâm và thảo luận sôi nổi. Tại đây, TS. Nguyễn Văn Điệp đã giải đáp những câu hỏi của khách mời về tính an toàn và hiệu quả sử dụng vắc xin AVAC ASF LIVE.

Ảnh 1. Đại biểu và khách mời tham dự tọa đàm.

   Về thực trạng ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam, PGS.TS. Phạm Kim Đăng - Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, dịch tả heo châu Phi phát hiện chính thức tại Việt Nam vào tháng 2/2019 sau đó nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2019, cả nước đã bùng phát dịch tả heo châu Phi với trên 8.500 ổ dịch tại toàn bộ 63 tỉnh, thành với tổng số heo phải tiêu hủy gần 6 triệu con, gây thiệt hại trên 13.200 tỷ đồng. Dịch tả heo châu Phi tiếp tục xảy ra trong các năm 2020, 2021, 2022, phải tiêu hủy số heo lần lượt là hơn 86.000 con, 279.000 con, 60.000 con. Dịch tả heo châu Phi bùng phát đã khiến tổng đàn heo Việt Nam sụt giảm mạnh vào năm 2019 còn 23,37 triệu con, giảm gần 6,5 triệu con. Năm 2023, tổng đàn heo đã phục hồi về mức trước dịch với 30,1 triệu con trong tháng 9/2023. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi vẫn tiếp tục nổ ra tại nhiều tỉnh thành. Tính đến 31/10/2023 cả nước xảy ra 481 ổ dịch trên 42 tỉnh thành phố, tiêu hủy 18.110 con. Như vậy, số lượng heo phải tiêu hủy đã giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ngành chăn nuôi heo có thể chủ quan với bệnh dịch tả heo châu Phi.

   Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn ra, Việt Nam cũng đón nhận tín hiệu tích cực trong việc phát triển thành công 2 sản phẩm vắc xin dịch tả heo châu Phi đầu tiên trên thế giới. Một trong số đó là sản phẩm VACCINE AVAC ASF LIVE của Công ty CP. AVAC Việt Nam. Vắc xin AVAC ASF LIVE là vắc xin nhược độc, đông khô. Virus vắc xin được nuôi trên tế bào dòng DMAC do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam phát triển. Vắc xin dùng cho heo thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên, chỉ tiêm 1 liều duy nhất, thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng.

   Chia sẻ lý do tại sao Công ty CP. AVAC Việt Nam có thể phát triển thành công sản phẩm vắc xin AVAC ASF LIVE, Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp - Tổng giám đốc công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho biết, AVAC lựa chọn phát triển sản phẩm vắc xin sống nhược độc bởi thực tế nghiên cứu cho thấy vắc xin vô hoạt không hiệu quả, vắc xin tiểu đơn vị an toàn hơn nhưng tỷ lệ bảo hộ rất thấp từ 10-40% nhưng giá thành quá cao, không khả thi về mặt thương mại. Trong tất cả các cách phát triển vắc xin, chỉ có vắc xin sống nhược độc mang lại tỷ lệ bảo hộ cao và giá thành phù hợp. Nhưng để sản sản xuất thành công một vắc xin sống, cần có 3 yếu tố, thứ nhất là chủng virus đảm bảo các tiêu chí về an toàn và hiệu quả. Yếu tố thứ 2 là cần một dòng tế bào phù hợp để tăng sinh khối virus, sản xuất trên quy mô lớn. Thứ 3 là dữ liệu nghiên cứu về độ an toàn, đánh giá hiệu quả sản phẩm trên trang trại thực tế với các quy mô khác nhau. AVAC có thể thỏa mãn cả 3 điều kiện trên, đặc biệt với yếu tố thứ 2 và cũng là quan nhất, đó là chọn lọc và phát triển thành công dòng tế bào DMAC từ đại thực bào phôi thai heo, đã được đăng ký quyền sáng chế, giúp tăng sinh khối virus đáp ứng nhu cầu sản xuất vắc xin quy mô lớn.

Ảnh 2. Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp - Tổng giám đốc công ty Cổ phần AVAC Việt Nam – chia sẻ về vắc xin AVAC ASF LIVE.

   Về kết quả nghiên cứu tính an toàn và đáp ứng miễn dịch trên heo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cũng khẳng định, đây là vắc xin mới chưa có trên thế giới nên quá trình tổ chức nghiên cứu - sản xuất - đánh giá của sản phẩm vắc xin này vô cùng nghiêm ngặt, khắt khe, nghiêm túc và khó hơn bất kỳ loại vắc xin nào trong ngành Thú y Việt Nam đã và đang trải qua, đảm bảo sản phẩm vắc xin AVAC ASF LIVE đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn khắt khe về vắc xin của tổ chức Thú Y Thế giới. Kết quả kiểm nghiệm, khảo nghiệm sử dụng tại 4 trại có quy mô từ 500 - 20.000 heo thịt tại nhiều địa phương khác nhau, và sau đó quy mô trên 600.000 con đánh giá độc lập tại hệ thống trang trại thuộc công ty chăn nuôi CP Việt Nam đều cho kết quả đạt yêu cầu về độ an toàn và đáp ứng miễn dịch đạt trên 93%. Ngoài ra, kết quả đánh giá độc lập tại Phillippines cũng cho kết quả hoàn toàn tương đồng với kết quả tại Việt Nam.

Ảnh 3. Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y – chia sẻ về quá trình kiểm khảo nghiệm, cấp phép vắc xin AVAC ASF LIVE. 

   Kết quả thử nghiệm và sử dụng vắc xin AVAC ASF LIVE trên thực địa tính tới thời điểm hiện tại ở trong và ngoài nước, bao gồm khảo nghiệm tại các trang trại trên 4 tỉnh thành, thử nghiệm giám sát 600.000 liều tại công ty CP Việt Nam, thử nghiệm trên 3.000 heo tại Công ty Japfa Việt Nam, thử nghiệm tại 16 Chi cục Thú y trên cả nước và thử nghiệm trên 1.000 heo tại Philippines đều cho thấy kết quả đáp ứng miễn dịch và độ an toàn đạt yêu cầu. Với các thành công bước đầu, công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cam kết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm vắc xin, tiến tới phát triển vắc xin sử dụng cho cả heo thịt và heo sinh sản.

Thiết kế 2022 © Công ty Cổ Phần AVAC Việt Nam

+84926565686