Một doanh nghiệp của Việt Nam chính thức xuất khẩu vaccine Dịch tả lợn châu Phi sang Indonesia
Cập nhật: 9/6/2025 | 10:53:44 AM
120.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi được xuất khẩu sang Indonesia
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, ngày 9/6/2025, lô vaccine AVAC ASF LIVE đầu tiên, với số lượng 120.000 liều, sẽ chính thức được xuất khẩu sang Indonesia, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình đưa sản phẩm vaccine- thú y Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Được biết, sau gần 3 năm đăng ký lưu hành, sản phẩm này đã được Bộ Nông nghiệp Indonesia phê duyệt sử dụng theo Quyết định số 3693/KPTS/PK.350/FI.04/2025 ngày 23/4/2025. Đơn vị nhập khẩu và phân phối vaccine ASF là Công ty PT. Biotis Prima Agrisindo, địa chỉ tại Kp. Curug RT. 04RW. 004, Curug, Gunung Sindur Kab. Bogor, Jawa Barat, 16340, Indonesia.
Ông Phan Quang Minh (thứ hai từ phải sang), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng lãnh đạo Công ty CP AVAC Việt Nam kiểm tra lô hàng vaccine trước khi xuất khẩu sang Indonesia.
TS.Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Ngày 8/7/2022, vaccine AVAC ASF LIVE được cấp phép lưu hành có kiểm soát tại Việt Nam. Sau khi phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên ngành đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine ở quy mô trên 600.000 liều tại gần 600 trang trại, vaccine AVAC ASF LIVE đã được cho phép lưu hành rộng rãi và xuất khẩu từ ngày 24/7/2023. Đây là vaccine Dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được Chính phủ cho phép thương mại toàn quốc và xuất khẩu.
"Đến nay, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã triển khai sử dụng vaccine. Đồng thời, nhiều địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Trà Vinh,… cũng đã tổ chức tiêm phòng đại trà cho đàn lợn. Tính đến đầu năm 2025, công ty AVAC đã cung cấp khoảng 2,5 triệu liều vaccine cho thị trường trong nước", ông Điệp thông tin.
Công ty CP AVAC Việt Nam vận chuyển vaccine Dịch tả lợn châu Phi lên xe phục vụ xuất khẩu sang Indonesia.
Không chỉ giới hạn trong phạm vi Việt Nam, vaccine AVAC ASF LIVE được giới thiệu, chia sẻ tại nhiều diễn đàn khoa học quốc tế uy tín chủ trì bởi các tổ chức hàng đầu thế giới. Chính phủ Philippines đã chính thức cho phép Bộ Nông nghiệp Philippines nhập vaccine AVAC ASF LIVE để sử dụng. Ngoài ra, Nigeria cũng đã nhập 5.000 liều để phục vụ cho việc thử nghiệm và đăng ký lưu hành và ngày 9/6, Indonesia cũng đã chính thức cho nhập khẩu vaccine AVAC ASF LIVE.
Chia sẻ thêm về quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine Dịch tả lợn châu Phi, TS.Nguyễn Văn Điệp cho biết, trong số 7 nền tảng công nghệ được xem xét cho việc phát triển vaccine phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, AVAC xác định vaccine sống nhược độc, phát triển bằng phương pháp cắt gen, là hướng đi khả thi nhất.
Tuy nhiên, để có thể phát triển vaccine nhược độc trong thời gian ngắn nhất, cần đồng thời giải quyết ba thách thức kỹ thuật then chốt: Lựa chọn và tối ưu hóa chủng virus nhược độc có độ an toàn cao; phát triển được dòng tế bào liên tục cho phép virus DTLCP nhân lên ổn định; xây dựng bộ dữ liệu toàn diện về đặc tính sinh học, tính sinh miễn dịch và độ an toàn của vaccine, đây là nền tảng khoa học thiết yếu để tiến tới sản xuất thương mại ở quy mô lớn.
"Trong quá trình triển khai dự án, nhóm nghiên cứu tại AVAC đã lần giải quyết được các rào cản trên. Theo đó, từ 3 chủng virus nhược độc được tạo ra bằng phương pháp xóa gen được Mỹ chuyển giao, chúng tôi đã đánh giá lại đặc tính sinh học của các ứng viên này, sau đó chọn ra một chủng virus rồi tiếp tục tối ưu. Chủng ASF-G-ΔMGF được chúng tôi tiếp tục chọn lọc và cấy chuyển liên tục trên tế bào DMAC, là dòng tế bào có nguồn gốc từ đại thực bào tự nhiên, được phân lập từ phôi thai lợn. Dòng tế bào này có khả năng sinh trưởng liên tục, ổn định về đặc tính sinh học, không chứa các gen gây ung thư, không nhiễm các vi sinh vật ngoại lai, và có khả năng lưu trữ lâu dài ở nhiệt độ âm sâu. Đặc biệt, dòng tế bào này cho phép virus vacine Dịch tả lợn châu Phi nhân lên nhanh chóng, đạt hiệu giá cao và ổn định về đặc tính sinh học. Sau 30 đời cấy chuyển và chọn lọc, chúng tôi đã tạo ra một giống virus gốc thỏa mãn các yêu cầu về vô trùng, tinh khiết, an toàn, bảo hộ cao đối với chủng virus thực địa genotype II đang lưu hành chủ yếu tại Việt Nam", ông Điệp thông tin thêm.
Sau hơn 100 thử nghiệm trên động vật được thực hiện với các kết quả tích cực, AVAC đã có bộ dữ liệu cơ bản về nhiều tiêu chí của sản phẩm, để tự tin đưa ra khuyến cáo sử dụng cho từng đối tượng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chủng vaccine an toàn cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên; vaccine tạo miễn dịch bảo vệ nhanh sau 2 tuần, và bảo vệ cao nhất sau 4 tuần; tỷ lệ bảo hộ cao trên 90% lợn tiêm vaccine; thời gian bảo hộ có thể kéo dài trên 5 tháng; vaccine không ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng của lợn; không ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch của vaccine khác.
Những lô vaccine Dịch tả lợn châu Phi sẵn sàng xuất khẩu sang Indonesia.
Khẳng định vị thế vaccine thú y Việt Nam trên bản đồ quốc tế
Đánh giá về sự kiện Indonesia chính thức nhập khẩu vaccine Dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam, ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, đây chính là cơ hội để khẳng định vị thế vaccine thú y Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
"Vaccine Dịch tả lợn châu Phi đã được ngành chức năng đánh giá, kiểm nghiệm rất kỹ lưỡng, được chính thức sử dụng từ năm 2022 và đã chứng minh được hiệu quả phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở nhiều tỉnh, thành phố", ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, hiện cả nước có 12 doanh nghiệp sản xuất vaccine thú y, sản phầm thuốc thú y, vaccine thú y của Việt Nam đã được xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với việc vaccine Dịch tả lợn châu Phi được nhiều nước tìm hiểu, tiến hành khảo nghiệm, đánh giá và nhập khẩu cho thấy tiềm năng xuất khẩu vaccine của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.
"Cục Chăn nuôi và Thú y sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đánh giá chất lượng cũng như đám phán với các nước để tăng cơ hội xuất khẩu vaccine Dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam", ông Thắng nói.
TS.Nguyễn Văn Điệp thông tin thêm, tính đến thời điểm hiện tại, AVAC đã cung ứng hơn 3,5 triệu liều vaccine AVAC ASF LIVE ra thị trường, trong đó khoảng 3 triệu liều được sử dụng tại Việt Nam, góp phần kiểm soát hiệu quả Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) trên diện rộng; gần 500.000 liều đã được xuất khẩu sang Philippines và Nigeria, nhận được phản hồi tích cực từ các thị trường này.
Hiện tại, sản phẩm đang trong quá trình đăng ký tại nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Malaysia, Nepal, Myanmar và một số thị trường tiềm năng khác. Để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, AVAC duy trì dự trữ khoảng 1,5 triệu liều, sẵn sàng cung ứng trong các tình huống khẩn cấp.
TS.Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam làm việc với các đối tác Indonesia.
Hiện tại, sản phẩm đang được tiếp tục đánh giá để sử dụng chính thức cho lợn giống (lợn nái và lợn đực giống), mở ra tiềm năng bảo vệ toàn diện cho ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam.
Về hướng nghiên cứu tiếp theo, TS.Nguyễn Văn Điệp cho biết, trong quá trình lưu hành, mầm bệnh liên tục biến đổi đặc tính sinh học, tiến hóa độc lực, làm thay đổi tính kháng nguyên và do đó hiệu quả của vaccine bị ảnh hưởng. Do đó, mỗi vaccine đều có những vòng đời nhất định, vòng đời dài hay ngắn phụ thuộc chủ yếu vào dịch tễ bệnh và công nghệ sử dụng. Đứng trước những thách thức đó, AVAC đã và đang chủ động tiếp cận, hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, làm chủ các công nghệ hiện đại để nhanh chóng tạo ra các ứng viên vaccine, chuẩn bị giải pháp cho thế hệ vaccine DTLCP tiếp theo.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cố gắng đánh giá và tối ưu sản phẩm cùng quy trình sản xuất, nhằm đảm bảo vaccine AVAC ASF LIVE hiện đang lưu hành có thể sử dụng an toàn và hiệu quả cho mọi đối tượng lợn, bao gồm cả lợn giống", ông Điệp nói.
Theo: https://danviet.vn
- HỘI THẢO KHOA HỌC: DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI – ĐẶC ĐIỂM MIỄN DỊCH & GIẢI PHÁP VẮC-XIN PHÒNG BỆNH
- THÔNG BÁO: Về việc sử dụng vắc-xin AVAC ASF LIVE
- HỘI THẢO KHOA HỌC: "DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI – ĐẶC ĐIỂM MIỄN DỊCH & GIẢI PHÁP VẮC-XIN PHÒNG BỆNH"
- Indonesia chính thức phê duyệt lưu hành vaccine AVAC ASF LIVE
- Nghiên cứu và sản xuất vắc-xin Dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE
- Công trình vacxin AVAC ASF LIVE nhận giải thưởng Bảo Sơn 2024
- Công trình vắc xin Dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE nhận giải thưởng Bảo Sơn trị giá 120.000 USD
- AVAC: Tiêm vắc xin AVAC ASF LIVE mũi 2 cho 270 con lợn giống
- Thử nghiệm vacxin ASF trên lợn giống, mở đường bảo hộ từ gốc
- Trông đợi vaccine ASF được sử dụng trên lợn nái sinh sản