Yên Bái triển khai tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi

Yên Bái khuyến cáo người chăn nuôi cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin khác song song tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi.

Tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi từ tháng 10/2023. Ảnh: Thanh Tiến.


Nguy cơ tái bùng phát dịch cao

Dịch tả lợn Châu Phi phát hiện chính thức tại Việt Nam vào đầu năm 2019 sau đó nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dù đã có thông tin từ sớm và có nhiều biện pháp chủ động phòng chống nhưng đến tháng 5/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Yên Bái. Sau 7 tháng liên tục dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên địa bàn, đã lây lan ra trên 5.200 hộ dân ở tất cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố.

Tổng số lợn ốm, mắc bệnh tại Yên Bái là gần 25.600 con, số lợn ốm, chết buộc phải tiêu hủy theo quy định là trên 28.000 con với tổng trọng lượng trên 1.200 tấn.

Ông Ninh Trần Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Yên Bái cho biết: Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi. Đến nay, dù dịch bệnh đã được kiểm soát song nguy cơ tái mắc cũng rất cao do một số địa phương trên cả nước đang có dịch xuất hiện trở lại. Tiêm vacxin được là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 500 ổ dịch tả lợn Châu Phi, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại nhiều tỉnh, thành phố. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8/2023, đặc biệt tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và nguồn cung ứng thực phẩm.

Để chủ động phòng chống dịch, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp, trong đó khuyến khích người dân tiêm vacxin phòng chống dịch. Từ tháng 5/2022, đã có 2 loại vacxin dịch tả lợn Châu Phi gồm: NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành theo quy định của Luật Thú y.

Đây là những vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành. Do đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y, thú y các tỉnh, thành, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện tiêm vacxin, giám sát sử dụng, giám sát chất lượng.


Tiêm phòng vacxin là biện pháp hữu hiệu để phòng dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.


Thận trọng việc tiêm phòng vacxin

Tại tỉnh Yên Bái, trong tháng 10 vừa qua, đã triển khai tiêm 160 liều vacxin AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất cho đàn lợn nuôi thịt khỏe mạnh tại 5 hộ chăn nuôi của huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái.

Qua theo dõi, các đàn lợn sau tiêm vacxin đều phát triển bình thường, không phát hiện biểu hiện bất thường. Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã lấy 31 mẫu huyết thanh trên đàn lợn của 4 hộ sau tiêm vacxin để xét nghiệm kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng.

Kết quả, tại phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 7009 ngày 7/11/2023 của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho thấy kháng thể dịch tả lợn Châu Phi dương tính 31/31 mẫu, đạt tỷ lệ bảo hộ 100%.

Với mục tiêu chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và sử dụng vacxin an toàn, hiệu quả, Sở NN-PTNT Yên Bái chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chuyên môn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng định của Luật Thú y. Tăng cường thông tin tới người dân, cơ sở, hộ chăn nuôi về vacxin để người chăn nuôi tự nguyện đăng ký tiêm cho đàn lợn.

Ông Ninh Trần Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Yên Bái cho biết thêm: Tổng đàn lợn của tỉnh hiện có trên 685.000 con. Để bảo vệ đàn đợn trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các loại dịch bệnh khác, Chi cục Chăn nuôi - Thú y khuyến cáo các hộ chăn nuôi chỉ tiêm vacxin cho lợn nuôi thịt khỏe mạnh. Vacxin NAVET-ASFVAC áp dụng tiêm cho lợn từ 8 đến 10 tuần tuổi, vacxin AVAC ASF LIVE có thể tiêm cho tất cả lợn từ 4 tuần tuổi trở lên.


Việc tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi nên thực hiện ở các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung, nơi đáp ứng được các yêu cầu các điều kiện như về kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch xâm nhập. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong quá trình triển khai tiêm phòng vacxin cần lưu ý, có thể đàn lợn đã nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi thực địa và các mầm bệnh khác, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Khi đàn lợn được tiêm vacxin, rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định.

Các địa phương cần tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình tiêm phòng vacxin tại cơ sở, đảm bảo phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra.  

Bên cạnh việc tiêm phòng vacxin, người chăn nuôi cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin khác. Việc tiêm phòng cần thực hiện thận trọng, chắc chắn ở quy mô, số lượng nhỏ.

Trước mắt, chỉ nên thực hiện ở các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung, nơi đáp ứng được các yêu cầu các điều kiện như về kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch xâm nhập; chưa từng xảy ra bệnh dịch, nơi không có bệnh nền.

Theo: https://nongnghiep.vn

 

Thiết kế 2022 © Công ty Cổ Phần AVAC Việt Nam

+84926565686