Tiếp tục hoàn thiện vaccine Dịch tả lợn châu Phi, hướng đến mục tiêu tạo miễn dịch toàn đàn

Cập nhật: 24/6/2025 | 3:45:15 PM

Đó là ý kiến của ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trong việc đưa vaccine Dịch tả lợn châu Phi vào sử dụng, nhất là trong bối cảnh virus Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện những biến chủng mới.

Tiêm phòng vaccine Dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, kinh nghiệm từ Hải Dương

Hải Dương là địa phương tiên phong tổ chức tiêm trên diện rộng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Tại Tọa đàm trực tuyến: "Vaccine Dịch tả lợn châu Phi: Làm gì để nông dân tin tưởng, sử dụng?" do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Hoạt, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thủy sản và Thú y Hải Dương cho biết, thực hiện Chỉ thị 41/CT-TTg ngày 6/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngành Chăn nuôi thú y, Hải Dương đã tổ chức tiêm phòng vaccine Dịch tả lợn châu Phi từ cuối năm 2024 với gần 50.000 liều vaccine AVAC AFS LIVE của Công ty CP AVAC Việt Nam trên đàn lợn thịt.

"Trong quá trình tiêm chúng tôi giám sát lấy mẫu đánh giá hiệu quả tiêm phòng, khi lợn tiêm 28 ngày, lấy 181 mẫu ở 17 hộ, tại 8 huyện và 15 xã để đánh giá, kết quả đánh giá cho thấy 100% mẫu đều đạt tỷ lệ bảo hộ 100%, lợn sau tiêm khỏe mạnh, phát triển tốt, tạo miễn dịch, lợn tiêm năm 2024 đã xuất bán, đàn lợn tiêm năm 2025 vẫn an toàn, quá trình tiêm chỉ số ít con lợn có sốt nhẹ, đau khớp, chúng tôi cho dùng vitamin để tăng sức khỏe cho vật nuôi", ông Hoạt nói.


Ông Phan Quang Minh (giữa), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường); ông Nguyễn Văn Điệp (ngoài cùng bên phải), Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam; ông Vũ Đăng Đồng, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y DABACO cùng giải đáp các câu hỏi của nông dân về việc sử dụng vaccine Dịch tả lợn châu Phi. 

Nói thêm về tâm lý e dè của nông dân khi tiêm phòng vaccine Dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, ông Hoạt khẳng định, sự băn khoăn, e dè khi tiêm vaccine mới là có, nhất là giai đoạn đầu, bà con còn sử dụng chưa đúng cách nên chưa hiệu quả. Thậm chí vaccine chưa cấp phép đã tiêm phòng gây rủi ro khiến bà con mất niềm tin vào vaccine mới.

Với Hải Dương, ông Hoạt cho biết, để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận, khi triển khai tiêm phòng phải tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ra văn bản chỉ đạo, cơ quan chuyên môn phải tập huấn cho cán bộ thú y cơ sở, nhất là ở thú y xã để họ nắm rõ kiến thức để hướng dẫn người dân. Trước khi tiêm phòng phải bồi bổ, tăng sức đề kháng cho lợn. Tiếp đến là phải tiêm đúng đối tượng, đến giờ, vaccine mới chỉ tiêm được cho lợn thịt trên 4 tuần tuổi thì phải tiêm đúng đối tượng đó, tránh tiêm sai chỉ định gây rủi ro cho người nuôi.

"Trong quá trình tiêm phòng vaccine ASF, Hải Dương làm rất chặt chẽ. Chúng tôi hướng dẫn tiêm phòng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên. Lợn trên 60-70kg không nên tiêm, vì sau tiêm phải hơn 20 ngày mới tạo miễn dịch, nếu sau tiêm bà con bán lợn ngay sẽ gây lãng phí. Bên cạnh đó, trong quá trình tiêm phải theo dõi sức khỏe đàn lợn sau tiêm, nếu có các biểu hiện, phản ứng phải được xử lý kịp thời. Sau khi tiêm, hơn 20 ngày mới tạo miễn dịch cho đàn lợn, đây là khoảng trống hở, nếu chúng ta không tuyên truyền người dân chăn nuôi an toàn sinh học có thể vẫn gây ra rủi ro cho đàn lợn. Sau tiêm chúng tôi lấy mẫu để đánh giá để xem xét bảo hộ của vaccine như thế nào để nhân rộng ra cho bà con hưởng lợi nhiều hơn. Mấy năm nay, chúng tôi đều sử dụng vaccine Dịch tả lợn châu Phi rất hiệu quả, tỷ lệ bảo hộ cao", ông Hoạt nói.

"Chúng tôi mong sớm có vaccine cho lợn nái, đực, hậu bị để giúp bà con tiêm phòng hiệu quả, tạo miễn dịch khép kín toàn đàn đảm bảo sau tiêm phòng vaccine mới sẽ phòng, chống được ASF hiệu quả cao nhất", ông Hoạt nói.


Ông Nguyễn Văn Điệp – Tổng Giám đốc AVAC cho biết, Vaccine AVAC ASF LIVE của AVAC đã được cấp phép lưu hành tháng 7/2022, đến năm 2023 được thương mại hóa; đến nay, AVAC đã cung cấp 3 triệu liều cho các địa phương trong nước và xuất khẩu 600.000 liều.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện vaccine Dịch tả lợn châu Phi

Là một trong 3 doanh nghiệp được cấp phép đưa vaccine Dịch tả lợn châu Phi vào thương mại hóa cùng với NAVETCO và Dabaco, ông Nguyễn Văn Điệp – Tổng Giám đốc AVAC cho biết, Vaccine AVAC ASF LIVE của AVAC đã được cấp phép lưu hành tháng 7/2022, đến năm 2023 được thương mại hóa.

Để được cấp phép lưu hành thương mại, vaccine của AVAC phải trải qua quá trình nghiên cứu và tuân thủ các quy định chặt chẽ của các cơ quan nhà nước; thử nghiệm, khảo nghiệm, tiêm giám sát gần 600 trang trại sau đó mới lưu hành thương mại tự do. Bên cạnh phân phối trong nước, vaccine của AVAC còn được xuất khẩu sang một số nước như Philippines, Indonesia...

"Trong đó, tại Philippines, chúng tôi đã phối hợp với đối tác đánh giá và đến năm 2024 đã được cấp phép lưu hành vaccine AVAC ASF LIVE. Mới đây, chúng tôi vừa xuất khẩu 120.000 liều vaccine ASF sang Indonesia. Qua quá trình sử dụng, các đối tác, người dân đều đánh giá sản phẩm của AVAC rất hiệu quả, bảo hộ cao qua đó góp phần giảm thiểu sự lây lan và ngăn chặn đại dịch ASF. Sau khoảng 3 năm được cấp phép lưu hành, đến nay, chúng tôi đã cung cấp 3 triệu liều cho các địa phương trong nước và xuất khẩu 600.000 liều", ông Điệp thông tin.

Ông Điệp cho biết thêm, trong số bảy nền tảng công nghệ được xem xét cho việc phát triển vaccine phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi xác định vaccine sống nhược độc, phát triển bằng phương pháp cắt gen là hướng đi khả thi nhất. Tuy nhiên, để có thể phát triển vaccine nhược độc trong thời gian ngắn nhất, cần đồng thời giải quyết ba thách thức kỹ thuật then chốt: Lựa chọn và tối ưu hóa chủng virus nhược độc có độ an toàn cao; Phát triển được dòng tế bào liên tục cho phép virus DTLCP nhân lên ổn định; Xây dựng bộ dữ liệu toàn diện về đặc tính sinh học, tính sinh miễn dịch và độ an toàn của vaccine, đây là nền tảng khoa học thiết yếu để tiến tới sản xuất thương mại ở quy mô lớn.

AVAC đã thành công trong việc phát triển một dòng tế bào có nguồn gốc từ đại thực bào tự nhiên, được phân lập từ phôi thai lợn. Dòng tế bào này có khả năng sinh trưởng liên tục, ổn định về đặc tính sinh học, không chứa các gen gây ung thư (thường được sử dụng để gây bất tử tế bào), không nhiễm các vi sinh vật ngoại lai, và có khả năng lưu trữ lâu dài ở nhiệt độ âm sâu. Đặc biệt, dòng tế bào này cho phép virus vaccine DTLCP nhân lên nhanh chóng, đạt hiệu giá cao và ổn định về đặc tính sinh học.

Nói về quá trình đưa vaccine Dịch tả lợn châu Phi vào sử dụng, ông Điệp thừa nhận, có tâm lý e ngại của nông dân. "Để người chăn nuôi tăng sử dụng vaccine, chúng ta cần lan tỏa hơn nữa về độ an toàn của vaccine và những mô hình đã sử dụng vaccine hiệu quả. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an toàn vaccine, vaccine như mũ bảo hiểm, nếu tai nạn thì giảm chấn thương sọ não thôi chứ không thể khẳng định là người đội không bị chấn thương sọ não cả. Các yếu tố còn lại doanh nghiệp chúng tôi có thể bảo đảm chỉ là vaccine an toàn", ông Điệp nói.

Đối với việc mở rộng đối tượng tiêm để đạt bảo hộ toàn đàn, ông Điệp thông tin: "Đối với vaccine do Công ty chúng tôi sản xuất, chúng tôi đã hoàn thiện bộ dữ liệu nghiên cứu dựa trên 6 dự án thử nghiệm trên đàn lợn nái. Các kết quả này đã được chúng tôi báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như Cục Chăn nuôi và Thú y từ tháng 6/2024. Trong suốt một năm qua, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm Thú y Trung ương để xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn vaccine cho đại trà. Trên cơ sở các dữ liệu nghiên cứu tại khu vực phía Bắc, vaccine của chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng an toàn cho lợn nái.


Tổ chức tiêm phòng vaccine Dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn giống.

Thời điểm khuyến cáo tiêm vaccine tốt nhất là trước khi phối giống hoặc trong giai đoạn đầu thai kỳ, tránh tiêm cho lợn nái đang mang thai ở giai đoạn cuối, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine hoàn toàn an toàn, không gây truyền dọc từ mẹ sang con. Lợn con sinh ra không mang virus vaccine và phát triển hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, để chính thức khuyến cáo sử dụng cho người chăn nuôi, chúng tôi vẫn cần chờ đánh giá cuối cùng và cấp phép từ Cục Chăn nuôi và Thú y. Hiện nay, chúng tôi đang rất mong chờ sự xem xét, thẩm định và cấp phép mở rộng đối tượng sử dụng vaccine cho lợn nái để có thể triển khai rộng rãi trong thực tiễn chăn nuôi".

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, về mặt chính sách, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục báo cáo lên cấp cao hơn để hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vaccine và có thể hỗ trợ sử dụng vaccine tại các địa phương. Mục tiêu là đảm bảo giá thành vaccine đến tay người chăn nuôi hợp lý, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nơi giá cả có thể là một trở ngại.

Trong định hướng phát triển vaccine thú y, Bộ đã ưu tiên đầu tư, khuyến khích các nhà khoa học trong nước nghiên cứu Việc phát triển vaccine chất lượng cao, với khả năng bao phủ rộng hơn và hiệu quả được chứng minh trên thực địa, sẽ góp phần quan trọng vào việc kiểm soát dịch bệnh.

"Thực hiện Nghị quyết 57, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất các đặt hàng hoặc định hướng cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nghiên cứu công nghệ vaccine. Bởi vì, virus dịch tả lợn châu Phi, cũng như các loại virus khác, có thể có sự thay đổi trên thực địa. Vì vậy, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, lấy mẫu để đánh giá sự lưu hành của virus, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và đơn vị liên quan để nghiên cứu phát triển vaccine, hoàn thiện vaccine hiện có để phù hợp với các chủng virus lưu hành và đảm bảo đối tượng bao phủ lớn hơn trong thời gian tới", ông Minh nói.

Theo: https://danviet.vn/

Thiết kế 2022 © Công ty Cổ Phần AVAC Việt Nam

+84926865686